Thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi đầu tư tiềm năng trong các năm qua. Với những bước đi phát triển vượt bậc và trở thành một trong các điểm tựa cho nền kinh tế vĩ mô của nước nhà. Hãy cùng nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam như thế nào qua bài viết bên dưới đây.

Sự hình thành và phát triển của Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK VN)

Hội nhập và phát triển kinh tế đang là xu hướng chung của nền kinh tế thế giới. Nó tạo cho chúng ta cơ hội học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu vốn, công nghệ khoa học-kĩ thuật, tác phong làm việc, quản lý,… của các nước có nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh đó việc phát huy các yếu tố nội lực cũng cần hết sức quan tâm, đánh giá nó một cách chính xác để sử dụng nó sao cho hiệu quả. Trong các yếu tố nội lực này cần phải đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn – yếu tố mà các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng đang rất thiếu.
Trong khi đó vốn trong nền kinh tế quốc dân chủ yếu được tập trung ở các cá nhân, tổ chức. Vì vậy, để thu hút được nguồn vốn dư thừa trong công chúng, trong các tổ chức ta cần phải thành lập một cơ quan chuyên về huy động và sử dụng nguồn vốn này. Tổ chức đó chỉ có thể là thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán Việt Nam
Khái niệm
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng giống như các thị trường chứng khoán thế giới là một thị trường mà ở đó người ta mua bán, chuyển nhượng, trao đổi chứng khoán nhằm mục đích kiếm lời.
Chức năng của thị trường chứng khoán

- Huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế
- Cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng
- Tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán
- Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp
- Tạo môi trường giúp Chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô
Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán

Nhà phát hành
Là các tổ chức thực hiện huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Nhà phát hành có thể là Chính phủ, chính quyền địa phương, công ty.
Chính phủ phát hành các loại trái phiếu chính phủ nhằm huy động tiền bù đắp thâm hụt ngân sách hoặc thực hiện những công trình quốc gia lớn.
Chính quyền địa phương phát hành trái phiếu địa phương để huy động tiền đầu tư cho các công trình hay chương trình kinh tế, xã hội của địa phương.
Các công ty muốn huy động vốn đầu tư phát triển sản xuất phát hành trái phiếu công ty hoặc cổ phiếu.
Nhà đầu tư
Nhà đầu tư chứng khoán là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán, bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân.
Nhà đầu tư cá nhân: Nhà đầu tư chấp nhận rủi ro và Nhà đầu tư không thích rủi ro;
Nhà đầu tư có tổ chức: công ty đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ bảo hiểm xã hội, công ty tài chính,ngân hàng thương mại.
Các tổ chức kinh doanh trên thị trường chứng khoán
- Công ty chứng khoán
- Quỹ đầu tư chứng khoán
- Các trung gian tài chính
Các tổ chức liên quan đến chứng khoán:
- Cơ quan quản lý Nhà nước
- Sở giao dịch chứng khoán
- Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán
- Tổ chức lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán
- Công ty dịch vụ máy tính chứng khoán
- Các tổ chức tài trợ chứng khoán
- Công ty đánh giá hệ số tín nhiệm
Các nguyên tắc hoạt động trên thị trường chứng khoán

Nguyên tắc công khai
Nhằm đảm bảo công bằng trong giao dịch chứng khoán, quyền lợi của nhà đầu tư, mọi hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải được công khai, minh bạch. Mọi thông tin công khai phải thỏa mãn 4 yêu cầu: Chính xác – Kịp thời – Dễ dàng – Đầy đủ.
Nguyên tắc trung gian
Đây là nguyên tắc đảm bảo cho thị trường hoạt động đều đặn, lành mạnh, chuyên nghiệp và hợp pháp, có tính an toàn, tiết kiệm chi phí. Trên thị trường chứng khoán tập trung điều này được thể hiện rõ hơn – tức là Sở giao dịch chứng khoán, khi việc mua bán chứng khoán phải thực hiện thông qua môi giới.
Nguyên tắc này thể hiện trên thị trường sơ cấp thông qua việc chào bán chứng khoán dưới hình thức đấu giá hoặc bảo lãnh phát hành.
Nguyên tắc đấu giá
Thị trường chứng khoán có đặc điểm cạnh tranh hoàn hảo và mang tính tự do nhất trong các loại thị trường, thể hiện qua nguyên tắc đấu giá với 3 hình thức:
- Đấu giá trực tiếp: Các nhà môi giới sẽ gặp nhau trực tiếp để thương lượng giá, thường gặp ở thị trường chứng khoán Tokyo, New York…
- Đấu giá gián tiếp: Loại hình này có ở thị trường chứng khoán London. Các nhà đầu tư liên hệ, thương lượng gián tiếp qua điện thoại hoặc Internet.
- Đấu giá tự động: Đây là hình thức phổ biến ở thị trường chứng khoán Thái Lan, Việt Nam,… Hình thức này đấu giá qua hệ thống Internet giữa máy chủ của Sở giao dịch với hệ thống máy của các công ty chứng khoán thành viên. Các lệnh mua bán được truyền đến máy chủ, máy chủ sẽ tự động khớp lệnh có giá phù hợp và thông báo kết quả cho công ty chứng khoán có lệnh đặt hàng được thực hiện.
Cấu trúc và phân loại cơ bản của thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các giao dịch, mua bán những sản phẩm tài chính (cổ phiếu, trái phiếu, các khoản vay ngân hàng… có kỳ hạn trên 1 năm). Sau đây là một số cách phân loại TTCK cơ bản:
Căn cứ vào sự luân chuyển các nguồn vốn
Thị trường chứng khoán được chia thành thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.
- Thị trường sơ cấp: Thị trường sơ cấp là nơi các chứng khoán được mua bán lần đầu tiên trên thị trường.Trên thị trường sơ cấp chỉ diễn ra các giao dịch giữa công ty phát hành và các nhà đầu tư mà không có sự trao đổi mua bán chứng khoán giữa các nhà đầu tư với nhau. Số tiền mua được từ việc bán chứng khoán sẽ được công ty phát hành đưa vào sản xuất kinh doanh.
- Thị trường thứ cấp: Thị trường thứ cấp là nơi giao dịch các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp, đảm bảo tính thanh khoản cho các chứng khoán đã phát hành.

Căn cứ vào phương thức hoạt động của thị trường
Thị trường chứng khoán được phân thành: Thị trường tập trung (Sở giao dịch chứng khoán) và Thị trường phi tập trung (thị trường OTC).
- Thị trường giao dịch tập trung: là một địa điểm xác định mà tại đó chứng khoán được tiến hành trao đổi, mua – bán. Hiện tại chỉ có các loại chứng khoán được niêm yết tại TTGDCK TP. HCM mới được giao dịch
- Thị trường phi tập trung (thị trường OTC): là thị trường mua bán chứng khoán dựa trên sự thoả thuận giữa các nhà đầu tư, thị trường này không có địa điểm giao dịch chính thức như thị trường tập trung. Các chứng khoán chưa niêm yết trên thị trường giao dịch chứng khoán sẽ được trao đổi, mua – bán trên thị trường phi tập trung.

Căn cứ vào hàng hoá trên thị trường

Thị trường chứng khoán cũng có thể được phân thành các thị trường: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường các công cụ chứng khoán phái sinh.
- Thị trường cổ phiếu: là thị trường giao dịch và mua bán các loại cổ phiếu, bao gồm cổ phiếu thường, cổ phiếu ưu đãi.
- Thị trường trái phiếu: là thị trường giao dịch và mua bán các trái phiếu đã được phát hành, các trái phiếu này bao gồm các trái phiếu công ty, trái phiếu đô thị và trái phiếu chính phủ.
- Thị trường các công cụ chứng khoán phái sinh: là thị trường phát hành và mua đi bán lại các chứng từ tài chính khác như: quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, hợp đồng quyền chọn.
Bài viết trên đây đã chia sẽ những thông tin tổng quan về thị trường chứng khoán Việt Nam. Với nhiều yếu tố hỗ trợ và nền tảng tốt, dự kiến rằng thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn, trở thành kênh đầu tư lý tưởng, đầy cơ hội sinh lời cho các nhà đầu tư, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ.